Gia đình quán phở Út Trân ở TP.HCM lần đầu tiên mang phở đi xa như lần này. Chủ quán Phạm Hữu Đức cho hay nấu phở phải ninh xương, luộc thịt, sơ chế nhiều nguyên liệu. Hơn nữa muốn nấu được phở ngon lại phải tỉ mẩn, kỹ càng. Đồ đạc, nguyên liệu để chuẩn bị nấu phở mang từ TP.HCM ra, hành lý ký gửi máy bay hơn 1 tạ.
Phở Út Trân và phở 34 Cao Thắng là hai đại diện cho phở Việt khu vực phía Nam phục vụ chiêu đãi các đại sứ và các nhà ngoại giao ngày 10-12. Ngay sau đó, cả gia đình anh Đức lại khuân vác đủ các loại lỉnh kỉnh ra gian hàng ở Công viên Vị Xuyên (TP Nam Định) để ninh xương, nấu phở tiếp.
Chuyến “Bắc tiến” lần này của gia đình phở Út Trân như một cơ duyên đặc biệt. Phạm Hữu Đức nấu phở ngon như những quán phở gia truyền ở miền Bắc nhưng tự học, tự tìm ra công thức riêng chứ không “tầm sư học đạo” như nhiều hàng phở khác. Anh Đức mất hai năm vừa tìm hiểu, nấu thử, thay đổi và đưa ra công thức riêng.
Hai cậu con trai một cậu 15 tuổi, một cậu 17 tuổi “bắn” tiếng Anh như gió và rất mê phở. Anh Đức yên tâm về những tâm huyết của anh bao năm qua với phở sẽ có người kế nghiệp. Bố làm phở, mẹ chụp hình, con trai giới thiệu cho khách nước ngoài về món phở của gia đình khiến gian hàng phở này vui như Tết.
“Tôi chưa bao giờ mang phở đi xa như thế này – anh Đức cười – Mang phở từ xa về nấu phở ở chính “đất phở” dù vất vả nhưng vui”.
Tôi mất hai năm vừa tìm hiểu, nấu thử, thay đổi và đưa ra công thức riêng. Hai cậu con trai một cậu 15 tuổi, một cậu 17 tuổi rất mê phở nên tôi yên tâm về những tâm huyết bao năm qua với phở sẽ có người kế nghiệp. Tôi chưa bao giờ mang phở đi xa như thế này. Mang phở từ xa về nấu phở ở chính “đất phở” dù vất vả nhưng vui.
Anh Phạm Hữu Đức (chủ quán phở Út Trân ở TP.HCM)
Cả gia đình anh Phạm Hữu Đức vượt gần 2.000 cây số về nấu phở phục vụ Ngày của phở ở Nam Định – Ảnh: VŨ TUẤN