TTO – Sáng 14-12, chương trình “Bay cùng phở Việt” diễn ra tại phòng khách thương gia Le Saigonnais, ga đi quốc tế thuộc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Sự kiện “Bay cùng phở Việt” năm 2022 tại phòng khách thương gia Le Saigonnais quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất do báo Tuổi Trẻ và Công ty SASCO phối hợp tổ chức – Ảnh: DUYÊN PHAN
Phở là món ăn được rất nhiều du khách tìm kiếm mỗi khi đến Việt Nam. Và phở ở sân bay được xem như “điểm chạm” văn hóa ẩm thực, bởi đối tượng khách phục vụ là những người vừa mới tới TP hay rời đi.
Với du khách nước ngoài, phở càng trở nên đặc biệt khi mới đáp máy bay xuống hoặc chuẩn bị rời khỏi Việt Nam mà được ăn một tô phở nóng hổi, thơm lừng như nhiều người bảo nhau: “Đến Việt Nam là phải ăn phở!”.
Nối tiếp chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12, chương trình “Bay cùng phở Việt” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) tổ chức sáng 14-12 sẽ mang đến những hương vị phở ngon, góp phần vào chiến dịch quảng bá phở Việt, thu hút du khách từ các vùng miền, lãnh thổ.
Bay cùng phở Việt 2022 lan tỏa mạnh mẽ tình yêu với phở, đưa phở tiếp cận nhiều hơn đến du khách quốc tế tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: DUYÊN PHAN
Sự kiện có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Minh Phương – đại diện Sở Du lịch TP.HCM; ông Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; ông Kajiwara Shinsuke – trưởng phòng marketing Công ty cổ phần Acecook Việt Nam; bà Đoàn Thị Mai Hương – tổng giám đốc Công ty SASCO; ông Đỗ Nguyễn Hoàng Long – chuyên gia ẩm thực kiêm á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2018, cùng 3 Hoa Hồi Vàng năm 2021 – 2022.
Nhà báo Lê Thế Chữ (bìa trái) cùng ông Lại Quốc Tĩnh, chủ tịch HĐQT khu du lịch nghỉ dưỡng H’Mông Village, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang – Ảnh: DUYÊN PHAN
Phát biểu tại sự kiện sáng 14-12, nhà báo Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết chương trình Bay cùng phở Việt năm nay được tổ chức trong một không khí náo nhiệt và đó là hình ảnh sinh động nhất để nói về sự hồi phục sau đại dịch COVID-19 của TP.HCM.
“Thật đáng mừng về sự hồi sinh ấy, và hôm nay tôi cũng xin kể về một hình ảnh sinh động khác để minh họa thêm cho sự hồi sinh đó, liên quan đến món phở. Trong khuôn viên này, chúng tôi không thể đem hết tất cả các loại phở trứ danh để giới thiệu cùng quý vị, và sau nhiều cân nhắc, chúng tôi quyết định chọn lấy ba thương hiệu phở để mời quý vị cùng thưởng thức”, ông Chữ nói.
Phở ngô (phở bắp) của người H’Mông phục vụ tại sự kiện Bay cùng phở Việt 2022 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Chị Kim Oanh dành lời khen cho phở ngô – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Nguyễn Minh Ngọc – phó tổng giám đốc Công ty SASCO – Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo bà Nguyễn Minh Ngọc – phó tổng giám đốc Công ty SASCO, đây là năm thứ hai SASCO đồng hành với hành trình tâm huyết của báo Tuổi Trẻ và các đơn vị tham gia quảng bá Ngày của phở 12-12. Bà đánh giá cao ý tưởng, nội dung và cách thức tổ chức vô cùng sáng tạo của hoạt động và cho biết SASCO vô cùng tự hào khi đóng góp vào hành trình quảng bá phở.
“Chúc mừng các đầu bếp nấu phở tài hoa. Các bạn là nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng cho chúng tôi. Cảm ơn đồng nghiệp SASCO thông qua các tô phở Việt đã lan tỏa giá trị ẩm thực truyền thống của dân tộc, các bạn chính là nhịp cầu gửi gắm lòng hiếu khách của người dân TP.HCM”, bà Ngọc cho biết.
Hào hứng với phở Việt
Bà Đoàn Thị Mai Hương – tổng giám đốc SASCO – thưởng thức phở – Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều hành khách chờ bay tại phòng chờ thương gia tỏ ra khá hào hứng với chương trình. Một số khách nước ngoài còn dùng điện thoại ghi lại hình ảnh sự kiện hôm nay. Và có không ít hành khách người Việt lẫn người nước ngoài chọn phở làm bữa ăn no trước khi lên máy bay.
Chị Cena (áo trắng) cùng chồng thưởng thức phở trong lúc chờ chuyến bay về Hong Kong – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Chọn bàn hướng ra khu vực máy bay đỗ ngoài trời, trong lúc chờ chuyến bay về Hong Kong, vợ chồng chị Cena cẩn thận bưng hai tô phở nóng hổi từ quầy ăn buffet ra bàn ăn. Thử món phở kèm thịt bò tái, chị Cena vui vẻ cho biết dù đây là lần đầu chị đến Việt Nam, nhưng đã ăn phở nhiều lần trước đó tại Hong Kong.
“Chuyến công tác này đến Việt Nam chỉ 6 ngày và tôi đã ăn phở ở đây rất nhiều vì ngon quá. Trước đó tôi cũng đã ăn phở ở nhiều nơi, nhất là Hong Kong vì ở Hong Kong bán rất nhiều. Nhưng đến đây ăn phở trên đất Việt thì tôi thấy rất thú vị và độc đáo”, chị Cena chia sẻ.
Còn anh Clement – chồng chị Cena – cho biết anh đã ăn phở rất nhiều nơi ở Việt Nam như tại Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM và thử đi thử lại rất nhiều lần. Anh nhận định: “Nhìn chung phở Việt ở đâu cũng ngon, mỗi nơi có một hương vị, đặc trưng riêng nên khó có sự so sánh phở ở đâu ngon hơn. Tuy nhiên tôi vẫn thấy ăn phở tại Việt Nam ngon hơn ăn ở các nơi khác”.
Sống ở Việt Nam hơn 9 năm qua, hôm nay cùng mẹ trên hành trình trở về Đài Loan để tận hưởng kỳ nghỉ 1 tháng, bé Pohau (10 tuổi) cho biết bản thân rất thích phở và đây chính là món ăn cậu được thưởng thức thường xuyên trong hành trình sống và học tập tại Việt Nam. Dù đã thưởng thức phở ở rất nhiều nơi như Hà Nội, Hồ Tràm (Vũng Tàu)… nhưng theo bé Pohau, phở ở TP.HCM là ngon nhất và đặc biệt với cậu.
“Hôm nay ăn món phở ở sân bay cũng rất ngon”, bé Pohau hào hứng chia sẻ.
Bí kíp nấu phở từ đầu bếp Hoa Hồi Vàng
Màn trình diễn nấu phở ngô (bắp) của Hoa hồi vàng 2022 Vương Đức Bằng – Ảnh: DUYÊN PHAN
Chương trình càng trở nên hấp dẫn khi các đầu bếp Hoa Hồi Vàng trình bày bí kíp nấu phở, cách làm ra món phở ngon.
Bày biện tươm tất đồ nấu phở trên bàn dựng ngay sân khấu, anh Vương Đức Bằng (dân tộc Mông) thu hút sự chú ý của nhiều người. Đến với sự kiện sáng nay, tân Hoa Hồi Vàng 2022 Vương Đức Bằng đã mang món phở ngô vượt dặm dài từ quê hương Hà Giang vào TP.HCM.
Theo anh Bằng, lương thực chính của người Mông ở vùng cao Hà Giang là ngô (bắp) để chế biến ra nhiều món như ngô hấp (mèn mén), bánh ngô, cháo ngô, nhất là phở ngô. Quản Bạ là vùng đặc trưng về phở ngô, và hôm nay anh Bằng mong muốn mang đến một cách nấu phở rất riêng mang đậm phong vị của Hà Giang.
Nguyên liệu chính của phở ngô ngoài chanh, hành, tỏi ngâm thì có thịt bò đặc trưng vùng cao nguyên đá, đặc biệt là bánh phở vàng óng ánh được làm từ những quả ngô (bắp). Để có tô phở thơm nức mùi ngô và dai dai, ăn cùng bò tái và nước dùng thanh vị, theo anh Bằng, công đoạn khó nhất chính là làm bánh phở.
Theo đó, trái ngô tươi được phơi khô và lấy hạt, sàng lọc sạch, ngâm cho hạt nở ra, khi ngâm phải thay nước liên tục để không bị chua. Sau đó hạt được xay lên rồi thêm một ít bột nếp vào cho mềm hơn. Mất tầm 2 – 3 tuần để trái ngô tươi ra thành phẩm là những sợi phở ngô vàng thơm.
Anh Bằng cho biết đã mang 10kg bánh phở ngô vào Sài Gòn phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Phở sen độc đáo
Anh Phạm Quang Duy – Hoa hồi vàng năm 2021 – mang đến món phở sen ấn tượng – Ảnh: DUYÊN PHAN
Cùng hai người bạn thưởng thức phở ở gần khu vực sân khấu, ông Lê Hữu Hạnh (60 tuổi) chia sẻ ông là tín đồ “xịn” của phở, mê đến mức gần như ăn mỗi ngày. Ông Hạnh cho biết hôm nay ở sân bay đã ăn đến hai to phở, một phở truyền thống và một phở sen.
“Hôm nay mới ăn phở sen, tôi thấy thấy ngon quá. Cách nấu khá đặc biệt, nước dùng đượm, đậm đà, có mùi thơm khác phở bò bình thường. Sen làm tô phở nhẹ nhàng lại, đỡ gắt mùi hồi.
Cọng phở có sự sáng tạo, ăn thấy lạ lạ, vuông vuông giống mì Quảng, mềm, dễ ăn”, ông Hạnh nói sau khi ăn xong tô phở sen, chuẩn bị bay sang Phnom Penh (Campuchia).
Ngó sen, hạt sen, từng cánh sen trải dài trên quầy chế biến, đầu bếp Phạm Quang Duy thì mang đến cho cho phòng chờ món phở sen cuốn hút, nhiều lợi ích cho sức khỏe. Phở sen là sự kết hợp giữa quốc hồn, quốc túy và quốc hoa.
Bà Đoàn Thị Mai Hương (bìa trái) – tổng giám đốc SASCO cùng đầu bếp Hoa hồi vàng Phạm Quang Duy và chuyên gia ẩm thực Đỗ Nguyễn Hoàng Long (bìa phải) – Ảnh: DUYÊN PHAN
Cầm trên tay cọng phở trơn, bảng to hơn, chuyên gia ẩm thực Đỗ Nguyễn Hoàng Long cho rằng bản chất của các loại gia vị trong phở là một vị thuốc và sen cũng là một vị thuốc giúp an thần, xóa đi mệt mỏi. Và việc đưa sen vào phở là sự sáng tạo độc đáo, nhưng vẫn mang đậm nét đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Lạ lẫm và nhiều hứa hẹn
Anh Phạm Hữu Đức, chủ thương hiệu phở Út Trân, mang đến những tô phở đậm vị – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bày biện nguyên liệu với đủ loại gia vị đặc sắc, bánh phở, nồi nước dùng tỏa hương trước cửa phòng chờ thương gia, anh Phạm Hữu Đức chia sẻ về mong muốn mang phở Việt bay xa đến bạn bè quốc tế nên đã tìm tòi, nghiên cứu ra cách nấu riêng, tạo ra hương vị đặc trưng cho phở Trân.
“Đặc trưng của Phở Út Trân đến từ nước dùng, từ nhiều loại nguyên liệu và có cách pha chế đặc biệt. Với mình, chuyện lời lãi trong kinh doanh chưa quan trọng bằng việc đưa phở đến gần với thực khách, đặc biệt là thực khách quốc tế”, anh Đức chia sẻ.
Ông Đỗ Nguyễn Hoàng Long – chuyên gia ẩm thực kiêm á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2018 cho biết phở Út Trân là một trong những đại diện của miền Nam đưa phở đến Nam Định. Ông đã từng thưởng thức cách đây một năm và nhận định phở Út Trân có hương vị rất khá lạ lẫm với mọi người, nhưng đó chắc chắn đó sẽ là vị phở của tương lai.
(Từ trái sang) Ông Kajiwara Shinsuke – trưởng phòng Marketing Acecook, bà Đoàn Thị Mai Hương – tổng giám đốc SASCO, Hoa hồi vàng Quang Duy của SASCO, MC Quỳnh Trâm của SASCO, chuyên gia ẩm thực Đỗ Nguyễn Hoàng Long, MC Vũ Mạnh Cường – Ảnh: DUYÊN PHAN