Các đầu bếp Hoa Hồi Vàng Phạm Hữu Đức, Nguyễn Ngọc Châu và Hoa Hồi Bạc Vương Văn Tùng, Vũ Thị Bích Đào và các tình nguyện viên đã thức trắng đêm nấu phở. 20 chiếc bếp đỏ lửa suốt đêm để ninh xương, luộc thịt… kịp phục vụ 2.000 tô phở cho các em học sinh.
Đầu bếp Phạm Hữu Đức, Phở Út Trân, cho hay mặc dù điều kiện để nấu phở rất thiếu thốn, phải tự tay chuẩn bị mọi thứ nhưng anh cố gắng nấu những tô phở ngon nhất, đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Trong chuyến đi nấu phở gần 2.000 cây số này, anh Đức không quên mang theo loại nước cốt cô đặc bí quyết của tiệm phở Út Trân ra phục vụ.
Đầu bếp Nguyễn Ngọc Châu và Vũ Thị Bích Đào không hề tỏ ra mệt mỏi sau một chuyến đi dài, lại thức trắng đêm nấu nướng. Anh Châu cho hay anh sẵn sàng đồng hành cùng Ngày của phở thực hiện các chuyến thiện nguyện, mang phở đi vùng sâu, vùng xa hoặc ủng hộ trẻ em nghèo.
Niềm vui của học sinh thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) khi thưởng thức phở – Ảnh: NGỌC QUANG
Bên cạnh những tô phở đặc biệt đó còn là số tiền 100 triệu đồng ủng hộ các em học sinh nghèo vượt khó.
Dậy sớm, nhịn ăn chờ ăn phở
Sáng 18-12, Lê Thị Diệu Linh, học sinh lớp 5A Trường tiểu học Thọ Hải (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), quàng khăn ấm để được mẹ đưa đi ăn phở. Tô phở hôm nay Diệu Linh được ăn không phải trong quán hàng mà ở khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) cùng hàng nghìn bạn học sinh khác.
Diệu Linh không nhớ lần trước được ăn phở khi nào, chỉ biết đã lâu lắm. Bố Linh mất sớm, mẹ em làm phụ hồ, mỗi ngày công chỉ được 150.000 đồng. Bữa sáng trước khi đi học của Linh là cơm rang, mì gói hoặc sang hơn là nắm xôi 5.000 đồng ở cổng trường. Gần ủy ban xã có quán phở, lúc đói bụng đi qua Linh chỉ hít hà hơi phở thòm thèm.
“Em rất vui vì vừa được chơi trò chơi, được ăn phở ngon lại được các cô chú tặng quà. Em sẽ học tập tốt hơn nữa để sau này lập nghiệp, giúp đỡ mẹ và không phụ lòng mong mỏi của thầy cô và các cô chú”, Diệu Linh bày tỏ.
Cô giáo Lê Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm của Diệu Linh, cho hay điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh trong trường còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lúc nông nhàn thì đi làm thuê. Ngày công lao động ở nông thôn cũng thấp. “Vì vậy, mỗi bát phở ngoài quán hàng bán 30.000 đồng là một thứ rất sang, các con chủ yếu ăn xôi hoặc mì gói bố mẹ nấu ở nhà”, cô Hằng cho hay.
Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lam Sơn, đến khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh từ rất sớm. Hoàng cùng các bạn chơi trò chơi, hát hò, cổ vũ đến mệt nhoài rồi chờ ăn phở. “Cháu nhịn ăn sáng để ăn phở cho ngon!”, Hoàng nói, tay cầm sẵn đôi đũa chờ các anh chị đoàn thanh niên bưng phở ra.
Bà Trịnh Thị Tiến, phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thọ Xuân, cho hay rất ít sự kiện được tổ chức đông vui như thế này. Không chỉ có các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng háo hức để được tham dự chương trình. Ngoài 2.000 học sinh ở các trường tiểu học, THCS thị trấn Lam Sơn, rất nhiều phụ huynh cũng đổ về khuôn viên khu di tích để góp vui với các con.
Bà Tiến cho hay các em học sinh háo hức được ăn phở, chơi trò chơi, tham gia văn nghệ. “Thọ Xuân là một huyện không quá xa so với trung tâm thành phố Thanh Hóa nhưng có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà của chương trình là niềm động viên lớn đối với các con, để các con tiếp tục nỗ lực, cố gắng, vượt qua hoàn cảnh để học tập tốt”, bà Tiến nói.
Thu nhập của nhiều gia đình học sinh trong trường chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lúc nông nhàn thì đi làm thuê. Ngày công lao động ở nông thôn cũng thấp. Vì vậy, mỗi bát phở ngoài quán hàng bán 30.000 đồng là một thứ rất sang, các con chủ yếu ăn xôi hoặc mì gói bố mẹ nấu ở nhà.
Cô giáo Lê Thị Hằng (giáo viên Trường tiểu học Thọ Hải)
Cùng phở trao tình thương đến học sinh nghèo
Ông Nguyễn Xuân Hải, phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho hay “Xe phở yêu thương” đến với trẻ em nghèo Thanh Hóa là một sự kiện hết sức đặc biệt. Lam Kinh là vùng đất lịch sử nơi khởi nguồn cho triều đại Tiền Lê và Hậu Lê – triều đại phong kiến vẻ vang trong lịch sử Việt Nam.
Theo ông Hải, bên cạnh việc được tham quan, tìm hiểu lịch sử ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các em học sinh và đông đảo người dân, du khách còn được tìm hiểu và thưởng thức một trong nhưng món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam – món phở.
Ông Hải xúc động trước trách nhiệm với cộng đồng, sự quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ của các đơn vị tổ chức, tài trợ chương trình “Ngày của phở”.
“Các em không những tự hào về lịch sử quê hương Lam Kinh mà còn vững tin vì bên cạnh các em có các cô, các bác, các anh, chị và các đơn vị luôn đồng hành trong quá trình học tập rèn luyện. Ở đó chúng ta cảm nhận được tình thương, cảm nhận được hơi ấm của những người làm chương trình “Ngày của phở” mang đến cho trẻ em Lam Sơn trong những ngày giá rét này”, ông Hải nói.
Nhà báo Cao Huy Thọ, phó giám đốc Trung tâm truyền thông – báo Tuổi Trẻ, cho hay ngay sau khi tổ chức thành công gala “Ngày của phở” tại Nam Định, các đầu bếp tiếp tục đồng hành với báo Tuổi Trẻ tặng quà, phục vụ phở cho trẻ em bại não ở Nam Định, làm chương trình “Bay cùng phở Việt” ở TP.HCM và tiếp tục nấu phở phục vụ và tặng quà học sinh nghèo ở Thanh Hóa.
Ông mong muốn các em học sinh qua sự kiện này không chỉ được thưởng thức những tô phở ngon do chính những đầu bếp giỏi nấu mà còn hiểu biết hơn về lịch sử, những nét văn hóa độc đáo của món ăn này.
Lãnh đạo huyện Thọ Xuân, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ đã trao 100 suất quà là 100 triệu đồng tiền mặt cho các em học sinh nghèo nỗ lực vươn lên học tập tốt của huyện Thọ Xuân.
Chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 năm nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Công ty CP Acecook Việt Nam và các đơn vị: No.1, Sasco, Sâm Ngọc Linh Kontum K5, Minh Long, Tương ớt Chinsu, Quân Phạm vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ đông đảo những người yêu phở.
Ngày 14-12 vừa qua, báo Tuổi Trẻ tiếp tục phối hợp với SASCO thực hiện chương trình “Bay cùng phở Việt” tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).